Hà Nam thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

CĐS là nội dung cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được xác định với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số là trụ cột ưu tiên hàng đầu được tỉnh khởi động từ nền tảng chính quyền điện tử. Xây dựng chính quyền số, đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, Trung ương. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành, gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống thư điện tử của tỉnh cũng bảo đảm cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã với tỷ lệ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc đạt 95%. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai hệ thống phòng họp không giấy tại trụ sở UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; triển khai hệ thống báo cáo kinh tế – xã hội tỉnh Hà Nam kết nối với Hệ thống thông tin, báo cáo Chính phủ; triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ UBND tỉnh với UBND cấp huyện; UBND cấp huyện với UBND cấp xã với tổng số 116 điểm cầu, có kết nối với Chính phủ.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam.

Thực tế hoạt động cho thấy, với việc cập nhật trên 80 tin, bài mỗi tháng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam hiện đã cung cấp khá đầy đủ thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cổng thành phần của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tạo đủ các mục thông tin chủ yếu theo quy định với việc thực hiện cập nhật 35 tin, bài/cổng/tháng. Bên cạnh đó, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh cũng đã cung cấp đầy đủ các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; tích hợp trên 70% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam đang cung cấp tổng số 1.741 bộ thủ tục hành chính; trong đó, dịch vụ công trực tuyến chiếm 95,7%.

Hà Nam nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số

Thành phố Phủ Lý triển khai mô hình Thí điểm cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử khi thực hiện liên thông TTHC.

Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, UBND tỉnh cũng tích cực chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số tại cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực phụ trách.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, thực hiện Nghị quyết số 24, có gần 2.700 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ CĐS. Đến nay đã có khoảng 2.777 doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng nền tảng số. Từ đó, đã thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Nếu như những năm trước đây, giao dịch chủ yếu bằng phương thức truyền thống thì đến nay, giao dịch điện tử đã rất phổ biến. Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. Các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ người tiêu dùng hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và các website thương mại điện tử bán hàng ngày càng tăng…

Nguồn: BáoHàNam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0226 385 2672