Hưởng ứng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tỉnh Hà Nam đã ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án CĐS tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xác định phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2526/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam, phiên bản 2.0 và triển khai áp dụng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt trong quá trình xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; đồng thời, thường xuyên tổ chức cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 3/2020 với 09 phân hệ thí điểm gồm: giám sát và điều hành giáo dục; giám sát camera an ninh – giao thông; giám sát môi trường; giám sát hành chính công; giám sát văn bản điện tử; điều hành chỉ tiêu ngân sách; điều hành sản xuất phát triển kinh tế – xã hội; điều hành chỉ tiêu kinh tế – xã hội; giám sát và điều hành y tế.

Triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Hà Nam

Tỉnh Hà Nam đã cấp 3247 chữ ký số cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc… Tỉnh cũng đã triển khai kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng từ xa lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, thuận tiện.

Về lĩnh vực hạ tầng số, 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng cục bộ (LAN) và kết nối Internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100%. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức cấp xã là 85%. Triển khai kết nối Mạng truyền số liệu cấp II cho 138 cơ quan, đơn vị (các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã) để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh để đảm bảo an toàn thông tin.

Hà Nam triển khai CĐS trên lĩnh vực khám chữa bệnh BHYT, mang đến nhiều thuận tiện cho người dân.

Dữ liệu số được tỉnh quan tâm đầu tư. Hiện tại, một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được xây dựng và triển khai tại một số cơ quan như: Kế toán của tất cả các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; Quản lý các đối tượng người có công của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Quản lý cấp phép lái xe, Quản lý phương tiện thủy nội địa của Sở Giao thông Vận tải; Quản lý hồ sơ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo; Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế trên toàn tỉnh; Quản lý hộ tịch của Sở Tư pháp; Cơ sở dữ liệu quản lý khoáng sản; Cơ sở dữ liệu đất đai….Tỉnh Hà Nam đang triển khai Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính để tích hợp, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.

Nhân lực số cũng là lĩnh vực tỉnh Hà Nam đang đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tại mỗi sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều có 01 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (quản trị mạng), trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Nhân lực quản trị và vận hành hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đều có trình độ đại học trở lên về công nghệ thông tin, một số cán bộ, công chức, viên chức đã có các chứng chỉ quốc tế CCNA. Hàng năm, các cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin đều được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. Toàn tỉnh đã thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn (109 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 555 thành viên, 686 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 3.430 thành viên)…

Các lĩnh vực xã hội số, kinh tế số và an toàn an ninh mạng được thúc đẩy mạnh mẽ, qua đó đạt được những kết quả tích cực. Việc triển khai thực hiện thí điểm 02 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử – Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí” cũng đạt hiệu quả cao… Tỉnh duy trì thường xuyên việc hướng dẫn công dân tố giác tội phạm và khai báo tin báo về an ninh trật tự qua ứng dụng VNeID và được ghi nhận là một trong 05 tỉnh có tỷ lệ tin báo qua VNeID cao nhất trong toàn quốc. Trên 2.770 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nền tảng số; trên 1000 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia 03 sàn thương mại điện tử; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; 47,3 % người dân biết kỹ năng về công nghệ số…

Tháng 10/2023, UBND tỉnh đã tổ chức Chương trình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Nam với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Tại sự kiện, UBND thành phố Phủ Lý – đơn vị tiêu biểu trong công tác CĐS hiện nay và đại diện các doanh nghiệp viễn thông như Tổng công ty Mobifone, Viettel, VNPT… đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện công tác CĐS; giới thiệu các giải pháp công nghệ, ứng dụng hỗ trợ, thúc đẩy CĐS.

Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh.

UBND tỉnh đã chính thức khai trương, đưa vào vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Hà Nam và Hệ thống quản lý hoạt động khoáng sản và cơ sở dữ liệu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của CĐS, đồng thời thúc đẩy sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cũng như toàn thể nhân dân trong tỉnh./

Như Thiệp – Hoài Thanh